3 phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất

Bạn đã biết gì về những phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung hiện nay? Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phụ khoa rất phổ biến, là loại bệnh ung thư gây tử vong cao thứ 2 chỉ sau ung thư vú. Do đó, việc trang bị cho bản thân những kiến thức về căn bệnh này là điều vô cùng cần thiết. 

1. Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh tiến triển âm thầm trong nhiều năm. Giai đoạn tiền ung thư và ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm thường chưa xuất hiện các triệu chứng vì vậy chỉ có thể phát hiện bằng cách làm xét nghiệm định kỳ.

Khi khối u bắt đầu phát triển lớn và gây một số ảnh hưởng tới cơ thể thì sẽ xuất hiện một số dấu hiệu phổ biến bao gồm:

đau bụng là dấu hiệu ung thư cổ tử cung

Đau bụng dưới là một trong số các nguy cơ nhận biết ung thư cổ tử cung

  • Chảy máu âm đạo bất thường (chảy máu sau khi quan hệ, chảy máu bất thường giữa kỳ kinh, kinh nguyệt kéo dài, chảy máu âm đạo sau khi đã mãn kinh…)
  • Đau vùng chậu hoặc đau bụng dưới
  • Dịch âm đạo bất thường (có màu sắc, mùi hoặc lẫn một chút máu)
  • Đau khi quan hệ

Nếu thấy một trong các dấu hiệu trên thì bạn nên đặt lịch hẹn để khám phụ khoa ngay. Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định bạn có mắc ung thư cổ tử cung hay không.

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung có thể gần giống với dấu hiệu bị viêm hoặc bị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nhưng tất cả các bệnh này đều cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Xem thêm: Dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

2. Cách kiểm tra và phát hiện ung thư cổ tử cung

Nếu được phát hiện sớm ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi vì vậy các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ (đặc biệt là những người đã có quan hệ tình dục) nên làm xét nghiệm pap để tầm soát ung thư cổ tử cung lần đầu khi 21 tuổi và khám lại định kỳ sau 2-3 năm. Chị em trên 30 tuổi nên thực hiện xét nghiệm pap kèm theo xét nghiệm HPV định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về các dấu hiệu bất thường, độ tuổi, tiền sử bệnh và tiền sử gia đình…sau đó sẽ chỉ định các xét nghiệm sâu hơn. Xác định mức độ phát triển chính xác của bệnh sẽ giúp bác sĩ dễ dàng đưa ra phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung phù hợp hơn. 

Bác sĩ sẽ kiểm tra phát hiện ung thư cổ tử cung bằng các xét nghiệm:

  • Kiểm tra vùng chậu (khám lâm sàng cổ tử cung, âm đạo, buồng trứng…xem có dấu hiệu bất thường nào không).
  • Xét nghiệm Pap: bác sĩ sẽ dùng mỏ vịt để mở rộng âm đạo sau đó nhẹ nhàng dùng một que dài có đầu bông lấy một số mẫu mô cổ tử cung để làm xét nghiệm tế bào học. Sau khi quan sát lớp biểu mô ở cổ tử cung dưới kính hiển vi bác sĩ có thể xác định xem có các tế bào bất thường hay không.
  • Xét nghiệm HPV: xét nghiệm này giúp xác định bạn có bị nhiễm một số loại HPV có nguy cơ cao như HPV 16 hoặc HPV 18 hay không.
  • Sinh thiết khoét chóp: sau khi làm xét nghiệm pap, HPV và kiểm tra vùng chậu nếu có nghi ngờ mắc ung thư cổ tử cung thì bác sĩ sẽ làm sinh thiết này khi bạn bị gây mê để kiểm tra và xác nhận bệnh.

Siêu âm xác định ung thư cổ tử cung

Siêu âm xác định các khối u cổ tử cung

Nếu phát hiện ung thư cổ tử cung bác sĩ sẽ thực hiện thêm xét nghiệm máu và các xét nghiệm hình ảnh như PET, CT, X-quang, MRI để xác định vị trí, kích thước khối u và mức độ lan rộng của khối u tới các cơ quan khác.

3. Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung

Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đánh giá vị trí khối u, giai đoạn, mức độ lan rộng (di căn) của khối u tới các cơ quan trong cơ thể và tiến hành hội chẩn để đưa ra liệu pháp điều trị ung thư cổ tử cung phù hợp nhất.

3 phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung hiệu quả và phổ biến nhất hiện nay là:

chia-se-nguoi-benh-ung-thu-tu-cung
  • Phẫu thuật
  • Xạ trị
  • Hóa trị

3.1 Phẫu thuật điều trị ung thư cổ tử cung

Phẫu thuật mổ ung thử cổ tử cung

Phẫu thuật điều trị ung thư cổ tử cung

Phẫu thuật được coi là phương pháp chính trong điều trị ung thư cổ tử cung. Nếu khối u có kích thước lớn bệnh nhân có thể được hóa trị hoặc xạ trị để thu nhỏ kích thước khối u trước khi phẫu thuật. Trong một số trường hợp bệnh nhân có thể phải thực hiện hóa trị hoặc xạ trị sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

Một số hình thức phẫu thuật có thể làm ảnh hưởng tới khả năng mang thai vì vậy bệnh nhân cần thảo luận cẩn thận với nhóm bác sĩ điều trị trước khi thực hiện phẫu thuật.

3.1.1 Các phương pháp phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản:

Trong trường hợp ung thư cổ tử cung được phát hiện ở giai đoạn sớm, khối u còn ở dạng khu trú, chưa xâm lấn qua lớp tế bào đáy của biểu mô trên bề mặt tử cung và chưa di căn tới các hạch bạch huyết thì bác sĩ có thể chỉ định một trong các phẫu thuật sau để loại bỏ khối u.

  • Khoét chóp cổ tử cung: bác sĩ dùng dao lazer hoặc LEEP để cắt phần tử cung có khối u theo hình chóp nón.
  • Cắt bằng dây điện LEEP hoặc tia laser: dùng dòng điện truyền qua một vòng kim loại hoặc chùm tia laser cường độ cao để cắt bỏ phần cổ tử cung có khối u.
  • Phẫu thuật lạnh: bác sĩ làm đông lạnh các tế bào ung thư bằng nitơ lỏng để tiêu diệt chúng.

Sau các phẫu thuật trên tử cung vẫn được bảo tồn và bệnh nhân có thể mang thai và sinh con bình thường.

3.1.2 Các phương pháp phẫu thuật không bảo tồn khả năng sinh sản

Nếu ung thư cổ tử cung được phát hiện ở giai đoạn đã lan rộng ở lớp biểu mô cổ tử cung và tới các hạch bạch huyết hoặc các mô lân cận hoặc đã di căn tới các cơ quan khác của cơ thể thì bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật triệt để hơn là cắt bỏ tử cung hoặc thậm chí là một hoặc tất cả các cơ quan trong vùng chậu bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt tử cung. Bác sĩ sẽ chỉ cắt bỏ cổ tử cung, thân tử cung bằng mổ nội soi hoặc mổ mở ổ bụng. Bệnh nhân có thể về nhà 3-5 ngày sau phẫu thuật, mổ nội soi có thể phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng nếu không phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy khối u đã xâm lấn tới cách hạch và cơ quan lân cận.
  • Phẫu thuật cắt tử cung triệt để: tùy theo mức độ lan rộng bác sĩ sẽ có thể phải cắt cả cổ, thân tử cung và một số vùng lân cận như buồng trứng, ống dẫn trứng, một phần âm đạo, nạo vét hạch chậu
  • Phẫu thuật cắt bỏ cơ quan vùng chậu: bệnh nhân phải cắt bỏ toàn bộ tử cung, âm đạo, buồng trứng, bàng quang, trực tràng vì ung thư đã lan rộng ra vùng bụng dưới và vùng chậu. Phương pháp này ít được sử dụng vì bệnh nhân phải tạo âm đạo và bàng quang nhân tạo, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng lớn.

Phẫu thuật ung thư cổ tử cung bằng nội soi

Phẫu thuật nội soi ung thư cổ tử cung

3.2 Điều trị ung thư cổ tử cung bằng xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia X bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư và ức chế sự phát triển của chúng. 2 phương pháp xạ trị được dùng để điều trị ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Xạ trị bằng máy chiếu xạ đặt bên trong cơ thể, máy chiếu xạ này rất nhỏ và được đặt gần tử cung để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp xạ trị này được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.
  • Xạ trị bằng máy chiếu xạ đặt ngoài cơ thể, bệnh nhân được chiếu xạ vùng xung quanh tử cung theo liệu trình 1 ngày 1 lần, 5 ngày/tuần trong thời gian từ 5-6 tuần.

Trong trường hợp khối u đã bắt đầu xâm lấn tới các hạch và cơ quan quanh vùng chậu thì bệnh nhân thường phải kết hợp hai phương pháp xạ trị trên để kiểm soát khối u. Khi điều trị ung thư cổ tử cung bằng xạ trị, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như đau bụng dưới, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau khi quan hệ, bàng quang bị kích thích.

3.3 Điều trị ung thư cổ tử cung bằng hóa trị

Đây là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư bằng hóa chất (dạng uống hoặc truyền tĩnh mạch). Hóa chất điều trị ung thư có thể thâm nhập vào khắp các cơ quan trong cơ thể và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Hóa trị thường được chỉ định cho bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn (giai đoạn IV) khi khối u đã di căn tới các cơ quan khác nên phẫu thuật và xạ trị không phát huy hiệu quả. Bác sĩ cũng có thể chỉ định hóa trị kết hợp xạ trị để tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân giai đoạn sớm hơn trước hoặc sau phẫu thuật.

Điều trị bằng hóa trị có thể khiến bệnh nhân gặp một số tác dụng phụ như rụng tóc, tiêu chảy, nhiệt miệng, mệt mỏi, nôn, mãn kinh sớm…

3.4 Các phương pháp điều trị khác

Ngoài 3 phương pháp điều trị phổ biến nêu trên, hiện nay còn có các phương pháp điều trị mới như liệu pháp điều trị trúng đích, liệu pháp miễn dịch. Các phương pháp này thường ít tác dụng phụ hơn nhưng chi phí cao và rất chỉ một số bệnh nhân đủ điều kiện lâm sàng mới có thể điều trị.

Có thể dùng thuốc để điều trị ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung có thể điều trị bằng thuốc chuyên dụng

  • Liệu pháp điều trị trúng đích: thuốc đích bevacizumab (Avastin) có tác dụng ngăn cản sự hình thành các mạch máu mới. Thuốc có thể làm chậm sự xâm lấn của ung thư cổ tử cung giai đoạn tiến triển và thường được dùng kết hợp với xạ trị.
  • Liệu pháp miễn dịch: Pembrolizumab (Keytruda) có thể được tiêm tĩnh mạch 3 tuần một lần cho bệnh nhân không đáp ứng với xạ trị và hóa trị.

Xem thêm: Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 như thế nào

4. Phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung điển hình

Tùy theo từng giai đoạn và tuổi tác, hiện trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị với các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung phù hợp. 

Phác đồ điều trị điển hình cho các giai đoạn cụ thể như sau:

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 0

Đây là giai đoạn rất sớm, khối u ở giai đoạn khu trú. Liệu pháp điều trị phổ biến nhất là phẫu thuật cắt bỏ khối u bằng phẫu thuật khoét chóp, dùng tia laser hoặc phẫu thuật lạnh.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1

Tùy thuộc vào mong muốn sinh con của bệnh nhân và tình trạng xâm lấn của khối u bác sĩ có thể chỉ định phác đồ.

Phẫu thuật khoét chóp để loại bỏ khối u, sau đó xạ trị (nếu cần)

Phẫu thuật cắt toàn bộ cổ tử cung, tử cung và nạo vét hạch (nếu khối u xâm lấn tới hạch). Bác sĩ có thể chỉ định xạ trị hoặc hóa trị sau phẫu thuật nếu cần.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2A

Xạ trị kết hợp hóa trị. Loại thuốc hóa trị thường dùng là cisplatin hoặc cisplatin kết hợp fluorouracil. Nếu khối u chưa lan rộng ra vùng chậu thì bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tử cung và nạo vét hạch, sau đó xạ trị hoặc hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2B và giai đoạn 3, 4A

giai đoạn này khối u đã bắt đầu xâm lấn sang các vùng lân cận. Bệnh nhân chủ yếu được điều trị theo phác đồ hóa trị kết hợp xạ trị. Loại thuốc hóa trị thường dùng là cisplatin hoặc cisplatin kết hợp fluorouracil. Xạ trị kết hợp cả xạ trị bằng máy xạ đặt trong và ngoài cơ thể.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 4B

Ở giai đoạn này hầu như không thể chữa khỏi vì khối u đã di căn tới các cơ quan khác của cơ thể. Bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng hóa trị như thuốc cisplatin hoặc carboplatin cùng với các loại thuốc khác như taxol, Gemzar hoặc topotecan.

Liệu pháp điều trị trúng đích bevacizumab (Avastin) có thể dùng kết hợp với hóa trị. Bệnh nhân cũng có thể điều trị bằng liệu pháp miễn dịch bằng pembrolizumab (Keytruda®) nếu không đáp ứng với hóa trị. Bệnh nhân cũng nên được điều trị chăm sóc giảm nhẹ để bớt đau đớn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

5. Địa điểm điều trị ung thư cổ tử cung

Điều trị ung thư cổ tử cung ở bệnh viện nào tốt nhất?

5.1. Khu vực phía Bắc: 

Bệnh viện K được đánh giá là nơi điều trị ung thư cổ tử cung tốt nhất.

Bệnh viện K có 3 cơ sở tại Hà Nội, đây là đơn vị y tế đi đầu trong cả nước về điều trị ung thư trong đó có ung thư cổ tử cung. Các cơ sở của bệnh viện K có các chuyên khoa lâm sàng, cận lâm sàng, nhiều máy móc trang thiết bị tiên tiến và đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung. Điều kiện của bệnh viện cho phép thực hiện tất cả các phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung. Đặc biệt bệnh viện K có ưu thế trong chẩn đoán mô học giúp xác định chính xác tình trạng khối u và đưa ra phác đồ phù hợp nhất. Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện K cũng được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định. Bệnh viện K được nhiều bệnh nhân ung thư cổ tử cung đánh giá là địa chỉ điều trị ung thư đạt hiệu quả cao.

Bệnh viện K điều trị ung thư tuyến giáp

Bệnh viện K là cơ sở hàng đầu về điều trị ung thư cổ tử cung

5.2. Khu vực phía Nam: 

Bệnh viện ung bướu thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là nơi điều trị ung thư cổ tử cung tốt nhất. Đây là một bệnh viện được thành lập từ năm 1985 với nhiều chuyên khoa lớn như khoa nội, y học hạt nhân, khoa nội ung bướu giúp điều trị ung thư đạt kết quả cao. Các bác sĩ ở đây được đào tạo chuyên môn tốt, trang bị máy móc hiện đại để đảm bảo chất lượng điều trị. Bệnh viện có thể thực hiện mọi phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung từ phẫu thuật đến xạ trị, hóa trị.

Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh

Bên ngoài bệnh viên Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh

5.3. Ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của căn bệnh này còn tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tại thời điểm phát hiện. Nếu ung thư cổ tử cung được phát hiện ở giai đoạn 0 và điều trị kịp thời tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân là 92%, giai đoạn 1 là 80-90%, giai đoạn 2 là 50-65%. Vì vậy việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng.

Nếu được phát hiện ở giai đoạn muộn, điều trị ung thư cổ tử cung sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Ở giai đoạn 3, bệnh nhân ung thư cổ tử cung có tỷ lệ sống sau 5 năm là 25-35% và dưới 15% với ung thư cổ tử cung giai đoạn 4.

Có thể thấy rằng, phát hiện và điều trị ung thư cổ tử cung càng sớm thì cơ hội sống sót và điều trị khỏi bệnh càng cao. Khi nghi ngờ bản thân có bệnh, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung phù hợp nhất. 

Rate this post
Tài liệu tham khảo
Trích dẫn
Bình luận Wordpress

Bình luận Facebook