Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu như thế nào

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh phụ khoa khá phổ biến và nguy hiểm. Trong tất cả các giai đoạn bệnh, điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu là đơn giản, hiệu quả và mang tới khả năng sống sót cao nhất cho người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cơ bản nhất để người bệnh và gia đình có những lựa chọn tốt nhất và an tâm điều trị.

1. Các dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh tiến triển âm thầm, giai đoạn tiền lâm sàng của bệnh có thể kéo dài tới 10-15 năm. Ở giai đoạn tiền lâm sàng đã có sự xuất hiện của các tế bào bất thường ở cổ tử cung nhưng chưa có những triệu chứng lâm sàng rõ rệt và bệnh vẫn tiếp tục tiến triển. Khi mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu người bệnh có thể bắt đầu thấy sự xuất hiện của một số dấu hiệu phổ biến sau:

  • Chảy máu âm đạo bất thường: hiện tượng này có thể xảy ra sau quan hệ, giữa hai chu kỳ kinh nguyệt hoặc khi đã mãn kinh.
  • Đau vùng chậu: đau vùng chậu khi giao hợp hoặc đau vùng chậu bất thường là những dấu hiệu chị em cần đặc biệt lưu ý.
  • Dịch âm đạo bất thường: dịch âm đạo có màu sắc lạ và mùi hôi, khó chịu là dấu hiệu của một số bệnh phụ khoa trong đó có ung thư cổ tử cung.
  • Són tiểu, đi tiểu ra máu
  • Đau khi giao hợp: đau vùng kín hoặc vùng chậu khi giao hợp thường xuyên có thể là dấu hiệu cho thấy bạn gặp vấn đề sức khỏe phụ khoa như ung thư cổ tử cung
  • Thiếu máu, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân

Nếu thấy sự xuất hiện của một số dấu hiệu trong các dấu hiệu trên thì chị em nên khám phụ khoa ở các cơ sở y tế đáng tin cậy để phát hiện bệnh kịp thời. Ngoài ra, khám phụ khoa định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ là cách tốt nhất giúp phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm (giai đoạn 0).

dấu hiệu ung thư cổ tử cung

Đau vùng chậu, bụng dưới là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung

2. Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có chữa được không?

Phát hiện mắc ung thư là một cú sốc lớn đối với người bệnh và gia đình. Tuy nhiên, tin vui là ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể chữa khỏi với tỷ lệ rất cao nếu người bệnh điều trị kịp thời bằng phương pháp phù hợp. Thậm chí sau khi điều trị một số chị em còn có thể mang thai, sinh con bình thường.

Tỷ lệ chữa khỏi ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Giai đoạn phát hiện bệnh (giai đoạn 0, 1A, 1B)
  • Độ tuổi
  • Vị trí khối u, mức độ lan rộng của khối u
  • Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và tiền sử các bệnh khác

Theo số liệu thống kê nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung là 92% (giai đoạn 0, 1A), 80% (giai đoạn 1B). Sau khi loại bỏ hoàn toàn khối u cổ tử cung, nhiều bệnh nhân vẫn cần thường xuyên theo dõi và khám sức khỏe để đề phòng nguy cơ ung thư tái phát. Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có tỷ lệ tái phát sau điều trị không cao nhưng vẫn có thể xảy ra.

Bác sỹ giải đáp thắc mắc ung thư cổ tử cung có chữa được không

Bác sỹ tư vấn để bệnh nhân hiểu bệnh ung thư cổ tử cung có chữa được không

3. Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

Hiện nay có 3 phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.

Các phương pháp có thể được dùng phối hợp để tăng hiệu quả điều trị.

3.1 Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính và phổ biến nhất cho đa số trường hợp ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm. Một số thủ thuật phẫu thuật cho phép bảo tồn tử cung nên không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Các phương pháp phẫu thuật này bao gồm:

  • Thủ thuật cắt khối u bằng vòng dây điện (LEEP): dùng dòng điện truyền cao một vòng kim loại để loại bỏ khối u ở cổ tử cung
  • Thủ thuật cắt khối u bằng tia laser: dùng chùm tia laser cường độ cao để cắt bỏ phần nhỏ ở cổ tử cung có chứa khối u
  • Phẫu thuật lạnh: dùng nitơ lỏng để làm đông lạnh, tiêu diệt tế bào ung thư
  • Phẫu thuật cắt một phần tử cung: nếu khối u có kích thước lớn và ăn sâu và lớp lót cổ tử cung thì cần thực hiện phẫu thuật cắt bỏ phần tử cung có chứa khối u để loại bỏ triệt để khối u ra khỏi tử cung.
  • Phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung: bác sĩ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung để loại bỏ khối u và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
  • Phẫu thuật triệt để (cắt toàn bộ tử cung và nạo hạch): nếu khối u có dấu hiệu lan ra hạch bạch huyết thì ngoài cắt bỏ tử cung bác sĩ sẽ phải tiến hành nạo vét hạch và cắt bỏ cả buồng trứng, âm đạo nếu cần thiết.

phẫu thuật điều trị ung thư cổ tử cung

Phẫu thuật là một trong số các phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị ung thư cổ tử cung

3.2 Hóa trị

Hóa trị thường được sử dụng như phương pháp điều trị bổ trợ cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu sau phẫu thuật. Hóa chất điều trị ung thư ở dạng uống hoặc truyền tĩnh mạch có thể xâm nhập vào khắp các cơ quan trong cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.

Trong trường hợp bệnh nhân bị các bệnh về huyết học hoặc tình trạng sức khỏe không cho phép phẫu thuật thì có thể sử dụng hóa trị như liệu pháp điều trị đầu tiên để tiêu diệt tế bào ung thư và kiểm soát khối u.

chia-se-nguoi-benh-ung-thu-tu-cung

Điều trị bằng hóa trị có thể khiến bệnh nhân gặp một số tác dụng phụ như rụng tóc, tiêu chảy, nhiệt miệng, mệt mỏi, nôn, mãn kinh sớm…

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm có thể không cần dùng đến phương pháp hóa trị vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, cần phải có được sự tư vấn của bác sỹ chuyên môn.

3.3 Xạ trị

Xạ trị cũng có thể được sử dụng như phương pháp điều trị bổ trợ sau phẫu thuật. Xạ trị dùng chùm tia X bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu máy chiếu xạ siêu nhỏ có thể được đặt bên trong cơ thể (gần vùng chậu) để tiêu diệt tế bào ung thư ở khu vực này hiệu quả và ít gây ảnh hưởng tới các cơ quan khác.

Trong một số trường hợp bệnh nhân cũng có thể xạ trị bằng máy xạ đặt ngoài cơ thể theo liệu trình bác sĩ chỉ định.

Khi điều trị ung thư cổ tử cung bằng xạ trị, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như đau bụng dưới, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau khi quan hệ, bàng quang bị kích thích.

Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu xạ trị nên hạn chế dùng nhất trong số tất cả các phương pháp.

4. Phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn điển hình

Đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu, phác đồ điều trị điển hình tùy thuộc vào từng giai đoạn. Cụ thể:

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 0

Đây là giai đoạn rất sớm khi các tế bào ung thư chỉ mới xuất hiện ở lớp lót cổ tử cung và kích thước khối u rất nhỏ. Ở giai đoạn 0, phương pháp điều trị phổ biến nhất là các phương pháp phẫu thuật đơn giản nhằm loại bỏ khối u:

  • Thủ thuật cắt khối u bằng vòng dây điện (LEEP)
  • Thủ thuật cắt khối u bằng tia laser
  • Phẫu thuật lạnh
  • Sau khi thực hiện phẫu thuật bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết từ mô cổ tử cung lấy được. Nếu xác nhận khối u đã bị loại bỏ hoàn toàn và ăn sâu vào thành cổ tử cung thì bệnh nhân không cần điều trị bằng xạ trị và hóa trị sau mổ.

Bệnh nhân cần khám theo dõi thường xuyên sau phẫu thuật theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1A

Giai đoạn 1A cũng là một giai đoạn rất sớm, tuy nhiên khối u đã xâm lấn từ lớp lót cổ tử cung vào lớp mô đệm. Giai đoạn 1A chia làm giai đoạn 1A1 và 1A2.

Vị trí khối u ung thư cổ tử cung

Mô tả ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 A

  • Giai đoạn 1A1: khối u rộng chưa đến 7mm và xâm lấn vào mô đệm ở cổ tử cung sâu dưới 3mm
  • Giai đoạn 1A2: khối u rộng chưa đến 7mm nhưng đã xâm lấn vào mô đệm cổ tử cung từ 3-7mm.

Ở giai đoạn này phương pháp điều trị điển hình nhất vẫn là phẫu thuật. Để lựa chọn hình thức phẫu thuật bác sĩ sẽ xác định mức độ vi xâm lấn của khối u dựa vào kết quả sinh thiết khoét chóp và đo độ xâm lấn sâu và rộng của khối u cổ tử cung.

  • Nếu khối u xâm lấn dưới 1mm thì các phương pháp phẫu thuật tương tự giai đoạn 0 là đủ để loại bỏ hết mô ung thư. Sau phẫu thuật bệnh nhân cần theo dõi thường xuyên.
  • Nếu khối u xâm lấn từ 1-3mm và chưa lan tới mạch bạch huyết thì các phương pháp phẫu thuật tương tự giai đoạn 0 cũng sẽ được chỉ định. Tuy nhiên để loại trừ hoàn toàn nguy cơ thì bệnh nhân có thể phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung và tử cung nếu không muốn có thêm con.
  • Nếu khối u xâm lấn trên 3mm và lan tới mạch bạch huyết thì có thể đã bắt đầu xâm lấn tới hạch bạch huyết nên sẽ cần điều trị tích cực hơn. Nếu bệnh nhân có nguyện vọng sinh con thì có thể cắt bỏ khối u và điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị. Nếu bệnh nhân không cần sinh thêm con thì nên phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung, nạo vét hạch là tốt nhất.

Trong trường hợp bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật vì lý do sức khỏe thì có thể điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị tích cực. Xạ trị và hóa trị cũng có hiệu quả cao ở giai đoạn này.

Sau 10 năm, 95% bệnh nhân ung thư giai đoạn 1A không bị tái phát sau phẫu thuật hoặc điều trị bằng hóa trị, xạ trị.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1B

Ở giai đoạn 1B khối u ở cổ tử cung đã bắt đầu có kích thước lớn và xâm lấn sâu vào mô đệm cổ tử cung. Khối u cũng có thể xâm lấn tới âm đạo và các hạch bạch huyết, buồng trứng.

  • Giai đoạn 1B1: khối u rộng từ 7mm-4cm nhưng chưa xâm lấn ra ngoài mô đệm cổ tử cung
  • Giai đoạn đầu 1B2: khối u rộng trên 4cm nhưng chưa xâm lấn ra ngoài mô đệm cổ tử cung
  • Giai đoạn cuối 1B2 chuyển tiếp giai đoạn 2A: khối u ở cổ tử cung rộng trên 4cm và bắt đầu có dấu hiệu xâm lấn sang các hạch bạch huyết.

Ở giai đoạn 1B, phẫu thuật kết hợp điều trị bổ trợ sau phẫu thuật bằng hóa trị hay xạ trị là phổ biến nhất. Ở giai đoạn 1B1 bác sĩ có thể xem xét chỉ cắt bỏ một phần cổ tử cung có chứa khối u nếu bệnh nhân vẫn muốn sinh thêm con.

Từ giai đoạn 1B1 bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ toàn bộ cổ tử cung, tử cung, nạo vét hạch nếu cần và có thể phải cắt bỏ âm đạo hoặc buồng trứng nếu có dấu hiệu tế bào ung thư xuất hiện ở đây. Tùy kết quả sinh thiết sau mổ bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị bằng hóa trị hoặc hóa trị kết hợp xạ trị nếu cần để loại bỏ toàn bộ tế bào ung thư còn sót lại.

Nếu vì điều kiện sức khỏe bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật thì hóa trị kết hợp xạ trị sẽ được chỉ định.

Khi khối u cổ tử cung lớn hơn 4cm thì tỷ lệ không tái phát sau 5 năm chỉ đạt 70-75%. Sau điều trị 10% bệnh nhân giai đoạn 1B1 bị tái phát và 30-40% giai đoạn cuối 1B2 bị tái phát. Bệnh nhân cần tái khám và theo dõi sau điều trị thường xuyên để phát hiện nguy cơ tái phát kịp thời.

Ung thư cổ tử cung càng được phát hiện sớm thì sẽ càng có cơ hội chữa khỏi bệnh cao vì vậy chị em nên khám phụ khoa định kỳ thường xuyên để có thể phát hiện dấu hiệu bất thường ở cổ tử cung và điều trị kịp thời.

5. Chi phí điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu ít tốn kém so với nhiều bệnh ung thư khác như ung thư phổi, ung thư gan… Chi phí điều trị cũng tùy từng giai đoạn cụ thể và từng bệnh viện, cơ sở y tế. 

Trung bình chi phí điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu dao động ở mức 25-50 triệu hoặc 50-75 triệu tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và dịch vụ bệnh nhân sử dụng. Tuy nhiên khoảng 70% bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung lại là những người có thu nhập không cao nên chi phí điều trị này vẫn là một gánh nặng lớn cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Thêm vào đó, sau điều trị lần 1 bệnh nhân còn cần khám kiểm tra lại liên tục và tiếp tục điều trị nếu cần.

Nếu bệnh nhân có tham gia bảo hiểm y tế thì sẽ được bảo hiểm y tế hỗ trợ chi phí điều trị theo quy định. Một số bệnh nhân tham gia bảo hiểm ung thư thì có thể được hỗ trợ chi phí điều trị sau khi phát hiện bệnh từ quỹ bảo hiểm họ tham gia.

6. Điều trị ung thư cổ tử cung ở bệnh viện nào tốt nhất

Khi có các dấu hiệu như chảy máu âm đạo bất thường, đau vùng chậu, đau khi quan hệ…nhiều chị em thường khám bệnh phụ khoa tại các bệnh viện như bệnh viện phụ sản trung ương (Hà Nội) hoặc bệnh viện Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh). Đây là những bệnh viện có đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa sản, phụ khoa giỏi và máy móc trang thiết bị hiện đại. 

Tuy nhiên sau khi có kết quả kiểm tra nghi ngờ bị ung thư cổ tử cung bệnh nhân thường chuyển sang các bệnh viện chuyên về ung bướu như bệnh viện K (Hà Nội, có 3 cơ sở K1, K2, K3) và bệnh viện ung bướu (thành phố Hồ Chí Minh) để điều trị theo phác đồ ở đây. Đa số bệnh nhân sẽ phải làm phẫu thuật, phải hóa trị hoặc xạ trị bổ trợ nếu cần và tái khám, theo dõi thường xuyên.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu rất khó phát hiện vì vậy bệnh nhân cần khám ở những bệnh viện lớn có y bác sĩ giỏi và trang thiết bị hiện đại để tránh bỏ lỡ cơ hội vàng điều trị sớm ung thư cổ tử cung.

7. Hình ảnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

Giai đoạn 1A

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 A

Giai đoạn 1B

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 B

Hình ảnh thật của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

Xem thêm: Điều trị ung ưng cổ tử cung giai đoạn 2

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm mà tất cả phụ nữ đều cần cảnh giác và có các biện pháp phòng chống và kiểm tra định kỳ để có thể phát hiện bệnh sớm nhất có thể. Tuy nguy hiểm nhưng đây là căn bệnh hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu quyết tâm điều trị. Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu luôn dễ dàng, hiệu quả và ít tốn kém hơn hẳn so với khi để bệnh tới các giai đoạn sau.

Rate this post
Bình luận Wordpress

Bình luận Facebook